Thông tin bịa đặt Phan_Kim_Liên

Năm 1992, gia tộc họ Vũ (Võ) ở huyện Thanh Hà, Hình Đài cho sau khi tu sửa một số ngôi mộ hoang được cho là của tiến sĩ Vũ Thực (Võ Thực) và người vợ họ Phan. Năm 1996, gia tộc này dựng một tấm bia có nội dung kể về tiểu sử tổ tiên Vũ Thực có nội dung:

Vũ công húy là Thực, tự Điền Lĩnh, thuở nhỏ gọi là Đại Lang, tuổi già tôn xưng Tứ Lão. Phu nhân của công họ Phan, danh môn thục viện. Công tổ tiên đời đời sống ở quận Tấn Dương, là hậu duệ của Vũ Đinh, sau dời sang trang Khổng Tống, huyện Thanh Hà (nay là Vũ gia thôn) định cư, Công mồ côi cha từ nhỏ, gắn bó với mẹ, cơm áo không đủ no. Từ nhỏ thông minh, sùng văn thượng võ, thích đọc thi thư, đến trung niên đỗ tiến sĩ, quan đến thất phẩm, lấy lợi trừ hại, thanh liêm công minh, hương dân đều kính yêu. Nhưng năm tháng đằng đẵng tang thương, danh tiết bị vô cứ phỉ báng, cổ mộ bị cướp phá, khiến lương sĩ hiền phụ nuốt hận nơi chín suối, than thay. Nay sửa chữa mộ thất, tìm lại chính danh, an ủi Vũ công, để cho hậu nhân ghi nhớ.[3]

Sau đó, hai gia tộc gán tên Vũ Đại Lang và Phan Kim Liên cho tổ tiên của họ là Vũ Thực và Phan thị. Dựa trên tuyên bố của gia tộc này, Phan Kim Liên là thiên kim tiểu thư, con của quan tri châu Hàm Đan, nhà ở Phan gia trang (sau đổi là Hoàng Kim trang) huyện Thanh Hà, Hình Đài , chỉ cách thôn Vũ gia Na 1,5 km. Vì thương Vũ Thực là người nghèo mà có chí nên Phan Kim Liên hết lòng giúp đỡ, sau hai người nên nghĩa vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, có bốn con trai.

Chuyện oan uổng của gia tộc Võ (Vũ) và Phan ở Thanh Hà cũng khiến cho con cháu của Thi Nại Am trăn trở. Ngày 18 tháng 12 năm 2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, tự nhận là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà, Hình Đài. Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ. Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.

Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ. Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong "Thủy Hử truyện" của tiên nhân... nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái.[4]

Sự thật thì Thi Nại Am chết vào đầu thời Minh Thái Tổ, còn Vũ Thực (theo văn bia) sống vào thời Minh Thành Tổ, cách nhau 30-50 năm. Bản thân văn bia cũng không ghi lại tên phu nhân của Vũ Thực. Các sách địa phương chí đều không có danh nhân họ Võ (Vũ). Thời nhà Minh không có ghi nhận tiến sĩ nào tên là Võ Thực.[5]